Lịch sử Nhân quyền tại Hoa Kỳ

Khái niệm nhân quyền ở Hoa Kỳ là một khái niệm có tính lịch sử, nó không có sẵn hay được gọi một cách tự nhiên mà chỉ xuất hiện khi xã hội Mỹ phát triển ở một mức độ nhất định ít nhất là về mặt tư tưởng. Những người Mỹ đầu tiên định cư tại Mỹ không hề nhắc đến khái niệm "nhân quyền" mà chỉ biết đến tự do và các quyền tự do.

Trong số những người dân thuộc địa đầu tiên đến châu Mỹ - Tân Thế giới có một bộ phận là để tìm kiếm quyền tự do tôn giáo của họ đã bị tước bỏ ở châu Âu thế kỷ XVII vì sự thống trị của Giáo hội Công giáo.[3] Khi hình thành các cộng đồng, qua thời gian họ đã có sự phát triển ý thức về tự do tôn giáo và xây dựng chính quyền tự trị. Khi người dân thuộc địa Mỹ tách khỏi nước Anh thì lúc đó họ đã xây dựng được luật và các tập quán công nhận quyền tự do ngôn luận, tự do hành đạo và tự do lập hội, đặc biệt, quyền kiến nghị chính phủ, quyền có bồi thẩm đoàn và có tiếng nói trong việc quản lý những vấn đề của chính họ là những quyền khác mà họ đã nuôi dưỡng, ấp ủ, từ đó quyền con người dần được đặt tên để chỉ chung cho các quyền trên (đương nhiên bao hàm cả các quyền cơ bản, thiết yếu trước tiên là quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc).[4]

Xét chung trong diễn biến lịch sử thì Hoa Kỳ cũng có vai trò nhất định trong việc phát triển và ủng hộ các ý tưởng và thực tiễn về nhân quyền. Cụ thể là những văn bản chính trị - pháp lý tối cao như Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 (khẳng định rằng "mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng"). Hiến pháp 1787 (cùng với các Tu chính án), Tuyên ngôn Nhân quyền của Mỹ, Tuyên ngôn giải phóng nô lệ..., thế giới lần đầu tiên chứng kiến thử nghiệm trên thực tế việc xây dựng một chính phủ mà sự vận hành của nó được đánh giá dựa trên mức độ tôn trọng và bảo vệ các quyền của người dân. Do vậy, nhân quyền được người Mỹ coi là một đặc điểm trong di sản quốc gia của họ.[4]

Tổ chức nhân quyền đầu tiên được thành lập trong thời kỳ Mỹ còn là Mười ba Thuộc địa của Anh, phục vụ cho việc bãi bỏ chế độ nô lệ, được thành lập bởi Anthony Benezet năm 1775. Một năm sau đó, Tuyên ngôn độc lập ra đời, cổ vũ cho tự do dựa trên sự thật hiển nhiên "rằng mọi người sinh ra bình là đẳng, rằng họ được đấng Tạo hóa ban cho những quyền không thể xoá bỏ, mà trong số đó là cuộc sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc ". Như vậy các quyền cơ bản của con người không phải do chính phủ ban tặng, mà là tự nhiên con người được có, bất khả xâm phạm và sinh ra đã có.

Tuyên ngôn nhân quyền

Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ

Tuyên ngôn được coi là tuyên ngôn nhân quyền này chính là một phần trong tuyên ngôn độc lập năm 1776.

Nội dung tuyên ngôn này khá dài dòng nhưng cũng có một số ý liên quan đến nhân quyền như sau: Sự thật hiển nhiên là mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Để đảm bảo những quyền này, các chính phủ phải do dân bầu ra, quyền lực là quyền lực của nhân dân. Nếu chính phủ nào hủy hoại những mục tiêu này thì người dân có quyền thay đổi hoặc lật đổ chính phủ và hình thành nên chính phủ mới, dựa trên những nguyên tắc và tổ chức quyền lực theo hình thức mà người dân cho là chắc chắn sẽ đảm bảo được sự an toàn và hạnh phúc của họ.

Cùng với tuyên ngôn Nhân quyền, Hiến pháp Mỹ cũng có thêm 17 điều sửa đổi bổ sung (tu chính án) trong đó có 10 điều có liên quan đến nhân quyền để phù hợp với tinh thần tuyên ngôn này.

Tu chính án Hiến pháp

Bản thảo Hiến pháp Mỹ

Năm 1787, đại diện của 12 trong số 13 bang đầu tiên của Mỹ đã gặp nhau ở Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania, để soạn thảo Hiến pháp Mỹ. Họ đã soạn thảo một văn kiện về nền dân chủ thỏa hiệp và đại diện, phù hợp với những thay đổi trong suốt hơn 200 năm.

Với nguyên tắc như vậy, Hiến pháp Hoa Kỳ, được thông qua vào năm 1787, tạo ra nền cộng hòa đảm bảo một số quyền và tự do dân sự. Các quyền và tự do được này tiếp tục ghi trong Luật Nhân quyền (mười sửa đổi đầu tiên của Hiến pháp) và sau đó mở rộng theo thời gian để áp dụng phổ quát hơn thông qua phán quyết tư pháp và pháp luật, phản ánh các quy tắc của xã hội. Nhưng mãi về sau, chế độ nô lệ mới bị Hiến pháp bãi bỏ vào năm 1865quyền bầu cử của phụ nữ mới được thiết lập trên toàn Liên bang vào năm 1920.

Sau khi có tuyên ngôn về nhân quyền, đã có sự sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp (Tu Chính án) một số điều có liên quan đến vấn đề nhân quyền như sau:[5]

  • Điều 1: Quốc hội Mỹ sẽ không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, báo chí và quyền của dân chúng được hội họp và kiến nghị chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình.
  • Điều 2: Xét thấy lực lượng dự bị có tổ chức nghiêm chỉnh là rất cần thiết cho nền an ninh của một quốc gia tự do, quyền của dân chúng được giữ và sử dụng vũ khí sẽ không bị vi phạm.
  • Điều 3: Không một quân nhân nào trong thời bình được đóng quân trong bất cứ nhà dân nào nếu không được sự đồng ý của chủ nhà, và ngay trong thời chiến cũng chỉ theo quy định của luật pháp.
  • Điều 4: Quyền của con người được đảm bảo về cá nhân, nhà cửa, giấy tờ và tài sản khỏi mọi sự khám xét và bắt giam, quyền này sẽ không được vi phạm. Không một lệnh, trát nào được cấp nếu không có lý do xác đáng căn cứ vào lời tuyên thệ hoặc sự xác nhận, đặc biệt cần miêu tả chính xác địa điểm khám xét, người và đồ vật bắt giữ.
  • Điều 5: Không một ai bị buộc phải chịu trách nhiệm về một tội nghiêm trọng hay một tội xấu xa khác nếu không có sự tường trình và cáo trạng của Bồi thẩm đoàn, trừ những trường hợp xảy ra trong lục quân, hải quân hoặc trong lực lượng dự bị, khi đang thi hành công vụ trong thời chiến hoặc trong tình trạng xã hội gặp hiểm nguy. Không một ai sẽ bị kết án hai lần về cùng một tội có nguy hại đến tính mạng và thân thể; không một ai bị ép buộc phải làm chứng chống lại bản thân mình trong một vụ án hình sự và bị tước đoạt sinh mạng, tự do hoặc tài sản, nếu không qua một quá trình xét xử theo đúng luật; không một tài sản tư hữu nào bị trưng dụng vào việc công mà không được bồi thường thích đáng.
  • Điều 6: Trong mọi trường hợp truy tố hình sự, bị cáo có quyền được xét xử một cách nhanh chóng và công khai bởi một Bồi thẩm đoàn công bằng của tiểu bang hoặc khu vực nơi tội trạng xảy ra, nơi đã được pháp luật chỉ định trước; bị cáo phải được thông báo về tính chất và lý do buộc tội, được đối chất với các nhân chứng chống lại mình, được quyền triệu tập những nhân chứng để biện minh và được sự giúp đỡ của luật sư bào chữa.
  • Điều 7: Trong những vụ kiện tụng theo thông luật, nếu giá trị tranh chấp quá 20 đôla, thì quyền được xét xử bởi Bồi thẩm đoàn sẽ được tôn trọng và không một vụ việc nào đãđược Bồi thẩm đoàn xét xử lại phải xem xét lại lần nữa ở bất cứ tòa án nào của Hoa Kỳ, mà phải căn cứ theo các quy tắc của thông luật.
  • Điều 8: Không đòi hỏi những khoản tiền bảo lãnh quá cao, không áp đặt những khoản tiền phạt quá mức và không áp dụng những hình phạt dã man và khác thường.
  • Điều 9: Việc liệt kê một số quyền trong Hiến pháp không có nghĩa là phủ nhận hay hạ thấp những quyền khác của người dân.
  • Điều 10: Những quyền lực không được Hiến pháp trao cho Liên bang và không bị ngăn cấm đối với các bang, thì thuộc về các bang cụ thể hoặc nhân dân.

Sau này, 10 Tu chính án đầu tiên trên (trong tổng số 27) được gọi là Đạo luật Nhân quyền Hoa Kỳ hay Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa Kỳ.

Đương đại

Trong thế kỷ 20, Hoa Kỳ đóng vai trò dẫn đầu trong việc tạo ra Liên Hiệp Quốc và trong việc soạn thảo Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Nhiều Điều khoản của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được tham khảo từ Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa Kỳ.[6] Trong nửa sau của thế kỷ 20, Mỹ đã tham gia rất ít vào các thỏa ước nhân quyền quốc tế, các giao ước cũng như các tuyên bố của các nước thành viên Liên Hiệp quốc.

Trong thế kỷ 21, Mỹ đã cố gắng tích cực để làm suy yếu vị thế của Tòa án Hình sự Quốc tế Rome. Chính phủ Hoa Kỳ đã bị chỉ trích vì những vi phạm nhân quyền trong nước và ở nước ngoài, đặc biệt trong hệ thống tư pháp hình sự và trong các vấn đề an ninh quốc phòng, cũng như đối xử định hướng giới tính trong các lĩnh vực luật chống phân biệt đối xử và hôn nhân đồng tính.[cần dẫn nguồn]

Dưới thời của tổng thống Jimmy Carter, nhân quyền trở thành một vấn đề quốc tế. Ông ta đã biến các quyền phổ quát trở thành một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ, và khuyến khích những người ủng hộ nhân quyền trên toàn thế giới.[7]

Bộ Ngoại giao Mỹ hàng năm đều trình lên Quốc hội một số báo cáo tổng hợp về tình hình nhân quyền trên thế giới (trừ Mỹ) gồm:

  • Báo cáo tình hình nhân quyền các nước (thường kèm theo các phúc trình về tình hình nhân quyền) nhằm đánh giá chi tiết tình hình nhân quyền ở các nước trên thế giới.
  • Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế nhằm đánh giá mức độ tự do hành đạo của người dân.
  • Báo cáo về nạn buôn người nhằm điều tra hình thức nô lệ thời hiện đại.
Ông Koštunica là một trong những lãnh đạo dám lên tiếng mạnh mẽ với Hoa Kỳ trong các vấn đề có liên quan đến nhân quyền ở Serbia và Kosovo.

Những hành động này thường bị coi là sự can thiệp "trắng trợn" và sự can thiệp của Chính phủ Hoa Kỳ đến nhân quyền của các nước đã ít nhiều vấp phải sự phản ứng nhất định. Một số quốc gia đã phản đối việc này và cho rằng đây thực chất là những thủ đoạn chiêu bài để tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ một số nước trên trường quốc tế, gây rối, chia rẽ, tạo ra tình trạng mất đoàn kết trong nhân dân sở tại và là một công cụ trong chính sách đối ngoại, thông qua đó lấy cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia. Một số nước đã chỉ trích Mỹ tự cho mình có quyền "can thiệp nhân đạo" và quảng bá quan niệm "quyền con người không có biên giới", "nhân quyền cao hơn chủ quyền" để phủ nhận quyền của các dân tộc, nhất là quyền tự quyết định vận mệnh hay tự lựa chọn con đường phát triển của các dân tộc đó.

Không hiếm những chỉ trích của các lãnh đạo trên thế giới về Hoa Kỳ khi nước này sử dụng chính sách nhân quyền để tác động, gây ảnh hưởng đến chính trị tại một số nơi trên thế giới. Việc Hoa Kỳ can thiệp vào Nam Tư (cũ) và sau này là Serbia và ủng hộ độc lập cho Kosovo (trong đó có nhân danh quyền con người) cũng đã gây ra phản ứng mạnh mẽ. Vojislav Koštunica, thủ tướng đương nhiệm của Sebia tại thời điểm đó là người đã có những phát biểu mạnh mẽ chỉ trích, lên án Mỹ. Ông cho rằng Mỹ đã can thiệp vào nội bộ của Serbia đặc biệt là trong vấn đề Kosovo và vụ việc của cựu tổng thống Slobodan Milosevic là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng tại vùng Bancăng, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực, thậm chí ông ta đã ủng hộ cho một số cuộc biểu tình chống Mỹ và là diễn giả chính trong một số cuộc biểu tình đó.[8][9]

Đôi khi Hoa Kỳ cũng cảm nhận thấy các phản ứng đó và những công việc thực tế họ đang đeo đuổi, việc Mỹ sẵn sàng hành động đơn phương và luôn cho mình là đúng đôi khi gây nên oán giận, ngay cả ở những nước chia sẻ những giá trị trụ cột trong các chính sách của Mỹ và không khó để chỉ ra nơi mà những lý tưởng của Mỹ thất bại.[10]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nhân quyền tại Hoa Kỳ http://www.law.ubc.ca/files/pdf/events/2003/novemb... http://english.people.com.cn/200403/01/eng20040301... http://english.people.com.cn/200503/03/eng20050303... http://abcnews.go.com/International/popup?id=14076... http://abcnews.go.com/WNT/Investigation/story?id=1... http://www.voanews.com/vietnamese/news/us-iran-9-2... http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/articles/A437... http://www.youtube.com/watch?v=P5CfBSz3XT0 http://avalon.law.yale.edu/20th_century/dip_cuba00... http://clinton4.nara.gov/WH/EOP/CEA/html/gendergap...